|
Trong bài viết này chúng ta sẽ đề cập đến hai ứng dụng cơ bản của định lý Lagrange, đó là chứng minh bất đẳng thức và chứng minh phương trình có nghiệm. Phương pháp : Định lý Lagrange : Nếu hàm số $f(x)$ liên tục trên $[a; b]$, có đạo hàm trong $(a, b)$ thì tồn tại ít nhất một số $c \in (a, b)$ sao cho : $f(b)-f(a)=f'(c).(b-a)$ Như vậy : Nếu $f(b)=f(a)$ thì phương trình $f'(x)=0$ có nghiệm $x=c \in (a, b)$ Sau đây là các ví dụ minh họa.
Ví dụ $1.$ Chứng minh rằng nếu $2a+3b+6c=0$ với $a, b, c \in \mathbb{R}$ phương trình $ax^2+bx +c=0$ có nghiệm thuộc $(0, 1)$. Lời giải : Xét hàm số : $\displaystyle f(x)=\frac{1}{3}ax^3+\frac{1}{2}bx^2+cx$ liên tục và khả vi trên $(0, 1)$ Ta có : $f'(x)=ax^2+bx+c$ Theo định lý Lagrange thì tồn tại số $x_0 \in (a, b)$ sao cho : $f(1)-f(0)=f'(x_0)(1-0)=f'(x_0)$ với $\begin{cases}f(1)=\frac{1}{3}a+\frac{1}{2}b +c=\frac{2a+3b+6c}{6}\\ f(0)=0 \end{cases}$ Suy ra $0=\frac{2a+3b+6c}{6}=ax_0^2+bx_0+c$ Như vậy $x_0$ là nghiệm của phương trình $ax^2+bx+c=0$ (đpcm).
Ví dụ $2.$ Chứng minh rằng phương trình : $5x^4+40x^3+105x^2+100x+24=0$ có bốn nghiệm phân biệt. Lời giải : Xét hàm số : $f(x)=x^5+10x^4+35x^3+50x^2+24x$ liên tục và khả vi trên $\mathbb{R}$. nhận thấy $\begin{cases}f(x)=x(x+1)(x+2)(x+3)(x+4) \\ f'(x)=5x^4+40x^3+105x^2+100x+24 \end{cases}$ Do đó phương trình $f(x)=0$ có các nghiệm là $-4, -3, -2, -1, 0$. Tức là $f(-4)=f(-3)=f(-2)=f(-1)=f(0)=0$ Áp dụng định lý Lagrange lần lượt trên các đoạn : $[-4, -3], [-3, -2], [-2, -1], [-1, 0]$ Chẳng hạn xét trên đoạn $ [-1, 0]$ thì tồn tại $x_1$ sao cho: $f(0)-f(-1)=f'(x_1)(0- -1)=f'(x_1)$ với $x_1 \in (-1, 0) $ $\Rightarrow 5x_1^4+40x_1^3+105x_1^2+100x_1+24=0 $ $\Rightarrow x=x_1 $ là một nghiệm của phương trình $5x^4+40x^3+105x^2+100x+24=0$ Trong $(-1, 0)$ có một nghiệm, làm tương tự với ba khoảng còn lại ta được thêm ba nghiệm nữa. Mặt khác thì các khoảng này tách rời nhau nên phương trình đã cho có bốn nghiệm phân biệt.
Ví dụ $3.$ Chứng minh rằng với mọi $a, b, c \in \mathbb{R}$ cho trước thì phương trình : $a\cos 3x +b\cos 2x + c\cos x + \sin x=0$ luôn có nghiệm. Lời giải : Xét hàm số : $f(x) = \frac{1}{3}a\sin 3x + \frac{1}{2}b\sin 2x + c\sin x -\cos x$ Ta thấy $f(x)$ liên tục và khả vi trên $(0, 2\pi)$. Mặt khác, $\begin{cases}f'(x) = a\cos 3x +b\cos 2x + c\cos x + \sin x \\ f(0)=f(2\pi)=-1 \end{cases}$. Áp dụng định lý Lagrange thì tồn tại $x_0 \in (0, 2\pi)$ sao cho : $f(2\pi)-f(0)=f'(x_0)(2\pi-0)=2\pi.f'(x_0)$ $\Rightarrow a\cos 3x_0 +b\cos 2x_0 + c\cos x_0 + \sin x_0=0$ $\Rightarrow x_0$ là nghiệm của phương trình đã cho.
Ví dụ $4.$ Cho $f(x)=a_nx^n+a_{n-1}x^{n-1}+\cdots +a_1x+a_0$ thỏa mãn : $\frac{a_n}{n+1} + \frac{a_{n-1}}{n}+ \cdots + \frac{a_1}{2}+a_0 = 0$. Chứng minh phương trình $f(x)=0$ luôn có ít nhất một nghiệm. Lời giải : Xét hàm số $g(x)=\frac{a_n}{n+1}x^{n+1} + \frac{a_{n-1}}{n}x^n+ \cdots + \frac{a_1}{2}x^2+a_0x $ thấy rằng $g(x)$ liên tục và khả vi trên $\mathbb{R}$. Mặt khác, $\begin{cases}g'(x) =a_nx^n+a_{n-1}x^{n-1}+\cdots +a_1x+a_0 = f(x)\\ g(0)=0\\g(1)=\frac{a_n}{n+1} + \frac{a_{n-1}}{n}+ \cdots + \frac{a_1}{2}+a_0 = 0 \end{cases}$.
Áp dụng định lý Lagrange thì tồn tại $x_0 \in (0,1)$ sao cho : $g(1)-g(0)=g'(x_0)(1-0)=g'(x_0)=f(x_0)$ $\Rightarrow a_nx_0^n+a_{n-1}x_0^{n-1}+\cdots +a_1x_0+a_0=0$ $\Rightarrow x_0$ là nghiệm của phương trình $f(x)=0$.
Ví dụ $5.$ Cho $0<a<b$. Chứng minh rằng : $\displaystyle \frac{b-a}{b} < \ln \frac{b}{a} < \frac{b-a}{a}$ Lời giải : Bất đẳng thức cần chứng minh tương đương với : $\displaystyle \frac{b-a}{b} < \ln b - \ln a < \frac{b-a}{a}$ Xét hàm số : $f(x)=\ln x$ với $x \in (a, b)$ $f'(x)=\frac{1}{x}$ luôn tồn tại với $x \in (a, b)$ do $0<a<b$. Theo định lý Lagrange thì tồn tại $c \in (a, b)$ sao cho : $f(b)-f(a)=f'(c)(b-a)$ $\Leftrightarrow \displaystyle \ln b - \ln a = \frac{1}{c}(b-a)$ $\Leftrightarrow \displaystyle \frac{1}{c}=\frac{\ln b - \ln a}{b-a}$ Mặt khác : $a<c<b\Rightarrow \displaystyle \frac{1}{b}<\frac{1}{c}<\frac{1}{a}\Rightarrow \frac{1}{b}<\frac{\ln b - \ln a}{b-a}<\frac{1}{a}$ $\Leftrightarrow \displaystyle \frac{b-a}{b} < \ln b - \ln a < \frac{b-a}{a}$ (đpcm).
Ví dụ $6.$ Chứng minh rằng : $\displaystyle \frac{a-b}{2} \le \cos \frac{a+b}{2} .\sin \frac{a-b}{2} \le \frac{b-a}{2}$ Lời giải : Bất đẳng thức cần chứng minh $\Leftrightarrow a-b \le \sin a - \sin b \le b-a$ $\Leftrightarrow \left| {\sin b - \sin a} \right| \le |b-a|$ Xét hàm số : $f(x)=\sin x$ với $x \in (a, b)$ $f'(x)=\cos x$ luôn tồn tại $\forall x \in (a, b)$ Theo định lý Lagrange thì tồn tại $c \in (a, b)$ sao cho : $f(b)-f(a)=f'(c)(b-a)$ $\Rightarrow |f'(c)|=\left| {\frac{f(b)-f(a)}{b-a}} \right|$ $\Rightarrow |\cos c|=\frac{ \left| {\sin b - \sin a} \right| }{|b-a|}$ Vì $|\cos c| \le 1\Rightarrow \frac{ \left| {\sin b - \sin a} \right| }{|b-a|} \le 1$ Do đó : $ \left| {\sin b - \sin a} \right| \le |b-a|$ (đpcm).
Ví dụ $7.$ Cho $n>1, n \in \mathbb{Z}$. Chứng minh rằng : $\displaystyle \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n} < \ln n < \displaystyle1+ \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n-1} $ Lời giải : Xét hàm số : $f(x)=\ln x$ với $x \in (n-1, n)$ với $n>1$. $f'(x)=\frac{1}{x}$ luôn tồn tại $\forall x \in (n-1, n)$ với $n>1$. Theo định lý Lagrange thì tồn tại $c \in (a,b)$ sao cho : $f(n) - f(n-1)=f'(c)\left[ {n-(n-1)} \right]=f'(c)$ $ \Rightarrow \ln n - \ln (n-1)= \frac{1}{c}$ Vì $n-1 < c< n \Rightarrow \frac{1}{n} < \frac{1}{c} < \frac{1}{n-1}$ $\Rightarrow \frac{1}{n} < \ln n - \ln (n-1) < \frac{1}{n-1} (*)$ Lần lượt thay $n=2,3, \cdots, n$ vào $(*)$ ta được : $\begin{cases} \frac{1}{2} < \ln 2 < 1 \\ \frac{1}{3} < \ln 3 - \ln 2 < \frac{1}{2}\\ \frac{1}{4} < \ln 4 - \ln 3 < \frac{1}{3} \\ \cdots \\ \frac{1}{n} < \ln n - \ln (n-1) < \frac{1}{n-1} \end{cases}$ Cộng các bất đẳng thức trên vế với vế ta được : $\displaystyle \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n} < \ln 2 + \ln 3 - \ln 2+\ln 4 - \ln 3 + \cdots +
\ln n - \ln (n-1) < \displaystyle1+ \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n-1}
$ Do đó : $\displaystyle \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n} < \ln n
< \displaystyle1+ \frac{1}{2} + \frac{1}{3} + \cdots + \frac{1}{n-1} $ (đpcm).
BÀI TẬP ÁP DỤNG
Bài $1.$ Cho các số thực $a, b, c$ thỏa mãn $14a+9b+6c=0$. Chứng minh rằng phương trình $ax^2 +bx +c = 0$ có ít nhât một nghiệm thuộc $[1, 2]$.
Bài $2.$ Chứng minh rằng nếu các số $a, b, c$ thỏa mãn $\frac{a}{m+2}+\frac{b}{m+1} +\frac{c}{m}=0$ với $m \in \mathbb{N}$ thì phương trình $ax^2 +bx +c = 0$ có nghiệm thuộc $(0, 1)$.
Bài $3.$ Chứng minh rằng nếu phương trình $a_1\cos x + a_2\cos 2x + \cdots + a_n\cos nx=0$ luôn có nghiệm với mọi $a_i \in \mathbb{R}$ với $i=1,2, \cdots, n.$
Bài $4$. Chứng minh rằng nếu phương trình $a_nx^n+a_{n-1}x^{n-1}+\cdots +a_1x=0$ có nghiệm dương thì phương trình $na_nx^{n-1}+(n-1)a_{n-1}x^{n-2}+\cdots +a_1=0$ cũng có nghiệm dương.
Bài $5.$ Chứng minh rằng với mọi mọi $a, b \in \mathbb{R}$ thì : $\left| {\arctan a - \arctan b} \right| \le |a-b|$.
Bài $6.$ Chứng minh rằng $\frac{1}{a} < \frac{\ln a}{a-1} <1$ với $a>1$.
Bài $7.$ Chứng minh rằng với $a<a \le b$ và $n>1, n\in \mathbb{N}$ thì $n.a^{n-1}(b-a) \le b^n - a^n \le nb^{n-1}(b-a)$
|